TCVN 9208:2012 – Tiêu Chuẩn Kỹ Thuật Về Lắp Đặt Thang Máng cáp

17/02/2025 bởi hieu

Tại Việt Nam hiện nay, tiêu chuẩn TCVN 9208:2012 là tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt thang máng cáp và được áp dụng trong hầu hết các công trình xây dựng. Để hiểu rõ hơn về tiêu chuẩn này, mời bạn theo chân Nam Phương Việt tìm hiểu chi tiết qua bài viết ngắn dưới đây nhé!

Tổng quan về Tiêu chuẩn TCVN 9208:2012

TCVN 9208:2012 là Tiêu chuẩn Quốc gia của Việt Nam quy định về lắp đặt cáp và dây dẫn điện trong các công trình công nghiệp. Tiêu chuẩn này được biên soạn bởi Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định và được công bố bởi Bộ Khoa học và Công nghệ.

TCVN 9208:2012 được thiết lập để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình lắp đặt cáp và dây dẫn điện, từ đó giảm thiểu các rủi ro về điện và cháy nổ trong các công trình công nghiệp.

Phạm vi áp dụng: TCVN 9208:2012 áp dụng cho việc lắp đặt cáp và dây dẫn điện trong các công trình công nghiệp, bao gồm cả công trình xây dựng mới và công trình cải tạo.

TCVN 9208:2012 là Tiêu chuẩn Quốc gia của Việt Nam quy định về lắp đặt cáp và dây dẫn điện

Tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt thang máng cáp

Tiêu chuẩn kỹ thuật đối với cáp và dây dẫn điện

Vật liệu và cấu trúc của cáp và dây dẫn điện

Vật liệu dẫn điện: Dây dẫn điện phải được làm từ vật liệu có độ dẫn điện tốt, có độ tinh khiết cao, thường là đồng (Cu) hoặc nhôm (Al) để đảm bảo khả năng truyền tải điện và độ bền của dây dẫn. Ngoài ra, dây đồng hoặc nhôm phải đáp ứng các yêu cầu về độ bền kéo, độ dẻo và khả năng chịu uốn theo tiêu chuẩn quy định.

Lớp cách điện: Lớp cách điện phải được làm từ vật liệu có khả năng cách điện tốt như PVC (Polyvinyl Chloride), XLPE (Cross-linked Polyethylene), cao su hoặc các vật liệu tương đương. Và phải có khả năng chịu nhiệt, chịu ẩm và không bị phân hủy khi sử dụng trong thời gian dài. Điện trở cách điện đo được giữa các lõi cáp với nhau và giữa lõi cáp với đất không được nhỏ hơn 1 MW nếu là cáp hạ áp và không được nhỏ hơn 90% giá trị ghi trong biên bản thí nghiệm của nhà chế tạo nếu là cáp trung áp.

Lớp vỏ bảo vệ: Lớp vỏ bảo vệ ngoài có thể làm từ PVC, PE hoặc cao su tổng hợp, có khả năng chống thấm nước, dầu và chịu được điều kiện môi trường khắc nghiệt. Đối với cáp bọc giáp, lớp giáp kim loại phải đảm bảo khả năng bảo vệ cơ học và chống nhiễu điện từ. Và phải có khả năng chống mài mòn, chống hóa chất và tia UV nếu sử dụng ngoài trời.

Lắp đặt hệ thống cáp điện trên thang cáp

Kích thước và đặc tính kỹ thuật

Tiết diện dây dẫn: Tiết diện dây dẫn phải được tính toán dựa trên dòng điện dự kiến truyền tải để đảm bảo không bị quá tải và gây cháy nổ. Các tiết diện phổ biến bao gồm 1.5mm², 2.5mm², 4mm², 6mm², 10mm²,… tùy thuộc vào công suất và ứng dụng cụ thể.

Điện áp định mức: Điện áp định mức của cáp và dây dẫn phải phù hợp với điện áp của hệ thống điện. Tiêu chuẩn quy định các cấp điện áp khác nhau và yêu cầu cáp và dây dẫn phải chịu được điện áp thử nghiệm theo quy định. Uđm của dây dẫn điện thường được phân thành các mức: 300/500V, 450/750V, 0.6/1kV, 6/10kV hoặc cao hơn đối với cáp điện trung và cao thế.

Khả năng chịu dòng điện: Khả năng chịu dòng điện của dây dẫn phụ thuộc vào tiết diện dây, loại vật liệu dẫn điện và điều kiện lắp đặt. Phải đảm bảo giới hạn dòng điện tối đa mà dây dẫn có thể chịu mà không bị quá nhiệt hoặc gây cháy nổ.

Độ bền cơ học: Cáp và dây dẫn phải chịu được lực kéo, uốn, xoắn theo tiêu chuẩn thử nghiệm. Đối với cáp treo trên không hoặc chôn ngầm, cần có độ bền cơ học cao để chịu được điều kiện môi trường và lực tác động từ bên ngoài.

Yêu cầu về an toàn

Phòng cháy nổ: Cáp và dây dẫn phải có khả năng chống cháy lan, không tạo khói độc khi cháy để đảm bảo an toàn trong các công trình xây dựng và công nghiệp. Các loại cáp chống cháy, cáp chậm cháy (LSZH, FR-PVC, FR-XLPE) phải tuân theo tiêu chuẩn phòng cháy quy định.

Chống điện giật: Lớp cách điện phải có độ bền điện môi cao để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Trong hệ thống lắp đặt, cần có dây tiếp địa hoặc lớp vỏ bảo vệ chống điện giật cho người sử dụng.

Bảo vệ môi trường: Vật liệu chế tạo cáp và dây dẫn phải thân thiện với môi trường, phải hạn chế phát thải khí độc hại khi cháy. Nên sử dụng vật liệu không chứa chì, halogen hoặc các hợp chất gây ô nhiễm môi trường và có khả năng tái chế hoặc xử lý an toàn sau khi hết vòng đời sử dụng.

Quy trình lắp đặt cáp và dây dẫn điện

Tiêu chuẩn nối đất, nối và bịt đầu cáp

Yêu cầu chung:

  • Đảm bảo kín, chống ẩm cho vị trí ra/vào cáp của tủ điện, hộp nối động cơ và thiết bị điện bằng nút cáp.
  • Chỗ nối và bịt đầu cáp phải đảm bảo không bị ẩm và không bị tác hại của môi trường, chịu được điện áp thí nghiệm.

Quy định về hộp nối:

  • Cáp điện áp từ 3 kV đến 20 kV vỏ chì hoặc nhôm: dùng hộp nối bằng chì, đồng hoặc đồng thau.
  • Cáp điện áp đến 1000 V vỏ chì hoặc nhôm: đặt dưới đất dùng hộp nối gang, đặt lộ thiên dùng hộp nối chì.
  • Chế tạo và lắp ráp hộp nối đầu cáp, hộp nối cáp phải theo đúng quy định kỹ thuật.
  • Đường cáp dùng cả cáp cách điện giấy tẩm và cáp cách điện ít dầu: nếu cáp giấy tẩm cao hơn cáp ít dầu thì dùng hộp nối hàn chuyển tiếp.
  • Cáp điện áp trên 1000 V, cáp mềm cách điện cao su luồn trong ống cao su: mối nối cáp cần thực hiện bằng phương pháp hóa nóng (hấp chín) và bao bên ngoài lớp nhựa chống ẩm.

Tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt thang cáp

Số lượng hộp nối:

  • Không quá 6 hộp nối trong 1 km đường cáp xây dựng mới điện áp từ 1 kV đến 35 kV. Vượt quá phải được phép của cơ quan quản lý vận hành.

Nối đất:

  • Đường cáp vỏ bọc kim loại và kết cấu đặt cáp phải nối đất theo tiêu chuẩn TCXDVN 319:2004.
  • Vỏ kim loại và bằng thép của cáp phải nối với nhau và nối với vỏ hộp bằng dây đồng mềm.
  • Dây nối đất có mặt cắt không nhỏ hơn 6 mm2 và không lớn hơn 25 mm2.
  • Đường cáp dầu 10 kV, mặt cắt dây nối đất phải tính toán theo ổn định nhiệt.
  • Ở đoạn nối đường cáp với đường dây trên không, nếu cột không có nối đất thì được phép nối đất hộp đầu cáp với vỏ bọc kim loại của cáp. Nếu hộp cáp phía đầu kia được nối đất thì điện trở nối đất của vỏ cáp phải phù hợp với quy phạm nối đất.

Tiêu chuẩn lắp đặt cáp và dây dẫn điện trong máng và thang cáp

Quy định chung

  • Đối với cáp điện trong phạm vi nhà xưởng có số lượng cáp lớn phải sử dụng hệ thống máng cáp và thang cáp để bảo vệ.
  • Hệ thống khay và thang cáp phải được lắp đặt hoàn chỉnh trước khi đặt cáp.
  • Tại các vị trí cần thiết, hệ thống máng và thang cáp phải được trang bị đầy đủ cút nối, tê, khâu chữ thập, khâu thu hẹp, nắp đậy khay và các phụ kiện khác.

Tiêu chuẩn lắp đặt và cố định

  • Tuyến khay hoặc thang cáp không rộng quá 1200 mm phải có giá đỡ hoặc quang treo sau mỗi khoảng cách từ 1 m đến 3 m. Khoảng cách này cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thi công.
  • Giá đỡ hoặc quang treo phải được cố định chắc chắn vào các kết cấu xây dựng hoặc hàn vào các mã thép cấy trong kết cấu bê tông của trần.

Tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt máng cáp

Tiêu chuẩn bố trí cáp

  • Khay và thang cáp phải đủ rộng để tất cả các cáp nằm bên trong dàn thành một lớp.
  • Khoảng hở giữa hai cáp kề nhau phải đủ để buộc cáp vào then ngang của thang hoặc đáy khay cáp bằng dây thắt nhựa.
  • Các cáp trong thang máng cáp phải được sắp xếp theo thứ tự, phân thành từng nhóm tùy theo chức năng và được cố định bằng dây thắt nhựa.

=> Xem thêm: Cách Xếp Cáp Điện Trên Thang Cáp Đúng Chuẩn Và An Toàn

Vật liệu và kết cấu khay và thang cáp

  • Vật liệu chế tạo khay hoặc thang cáp phải là thép mạ kẽm nhúng nóng hoặc có lớp phủ ngoài bằng vật liệu chống gỉ và chống ăn mòn.
  • Khay và thang cáp phải có độ bền và độ cứng thích hợp để có thể đỡ toàn bộ cáp chứa trong khay hoặc thang cáp.
  • Khay và thang cáp không được có cạnh sắc, mặt thô ráp hoặc ba via để tránh làm hỏng cách điện hoặc lớp vỏ ngoài của cáp.
  • Vít và bulông không được nhô lên khỏi mặt trong của khay hoặc thang cáp.

Yêu cầu về điện

  • Tại những nơi có sử dụng cút, tê, khâu chữ thập, khâu thu hẹp, tuyến khay hoặc thang cáp phải được đảm bảo tính liên tục về điện, nhưng không được dùng bản thân khay hoặc thang cáp làm dây tiếp đất.
  • Khay và thang cáp phải được tiếp đất và được nối đất với dây tiếp đất gần nhất. Tuyến khay và thang cáp dài phải được nối đất lặp lại sau mỗi khoảng cách nhất định do thiết kế quy định cho từng công trình.

Bảo vệ và an toàn

  • Ở những nơi có cáp từ trong khay hoặc thang cáp luồn vào ống đi dây hoặc một phương tiện bao che khác, phải bố trí giá đỡ chắc chắn để ngăn chặn sức căng tác dụng lên cáp.
  • Tại những nơi tuyến khay hoặc thang cáp có nguy cơ tích lũy bụi hoặc có vật liệu rơi vào, hoặc có hiệu ứng nhiệt, cần xem xét bố trí phương tiện bảo vệ bổ sung như mái che, quạt thông gió.
  • Tuyến thang cáp chạy thẳng đứng phải được bảo vệ bằng nắp đậy kim loại chống ăn mòn và chống tác hại cơ học trong phạm vi 2 m tính từ sàn hoàn thiện hay mặt đất trở lên.
  • Tại những nơi tuyến khay hoặc thang cáp chạy xuyên qua trần, tường hoặc sàn nhà ngăn cách phòng có điều hòa không khí với phòng không có điều hòa không khí, phải bịt kín lỗ thông và phải đảm bảo khả năng cách nhiệt giữa các phòng.

Các yêu cầu khác

  • Khi cần tránh các tuyến ống cơ khí thủy lực hoặc kết cấu xây dựng, phải trình bản vẽ chi tiết của đoạn tuyến khay hoặc thang có sửa đổi với cơ quan tư vấn thiết kế để được phê duyệt trước khi thi công.
  • Nơi nào nước mưa thấm qua các cửa thông bố trí dọc theo tuyến khay hoặc thang cáp thì phải xem xét thực hiện biện pháp ngăn chặn nước xâm nhập.
  • Chung quanh khay hoặc thang cáp phải chừa hoặc duy trì đủ không gian để cho phép tiếp cận dễ dàng để lắp đặt và bảo trì cáp.
  • Phải cố định cáp chắc chắn vào then ngang của thang hoặc đáy đục lỗ của khay bằng dây thắt nhựa sau mỗi khoảng cách từ 3 m đến 1,5 m đối với tuyến chạy theo phương nằm ngang hoặc từ 1,5 m đến 0,5 m đối với tuyến chạy theo phương khác. Cáp càng to khoảng cách buộc càng ngắn.
  • Nắp trên của khay hoặc thang cáp và các phương tiện bảo vệ bổ sung phải được tháo lắp dễ dàng.
  • Cáp đi từ trong khay hoặc thang cáp ra ngoài không được vượt lên trên thành bên của khay hoặc thang cáp để không làm cản trở việc đậy nắp khay hoặc thang cáp.

Bố trí nhiều tầng khay hoặc thang cáp

  • Khi có nhiều tầng khay hoặc thang cáp hạ áp chạy song song dưới trần nhà theo cùng một hướng, khoảng cách giữa hai tầng liên tiếp không được nhỏ hơn 200 mm. Khoảng cách của tầng trên cùng đối với trần hoặc dầm gần nhất không được nhỏ hơn 300 mm.
  • Khi có nhiều tầng khay hoặc thang cáp hạ áp chạy song song dọc theo hành lang kỹ thuật, khoảng cách giữa hai tầng liên tiếp không được nhỏ hơn 300 mm. Khoảng cách của tầng dưới cùng đối với mặt trên của tầng ống công nghệ chạy phía dưới không được nhỏ hơn 500 mm.
  • Tuyến khay hoặc thang cáp trung áp phải được đặt cách xa tuyến khay hoặc thang cáp hạ áp. Khoảng cách này thường không nhỏ hơn 500 mm và phải được kỹ sư phụ trách giám sát thi công phần điện của chủ đầu tư phê duyệt.
  • Khay hoặc thang cáp không được đi chung với ống dẫn dầu hoặc khí đốt trong cùng một hành lang kỹ thuật.

Các yêu cầu về cơ khí

  • Mỗi tuyến khay hoặc thang cáp phải ở tư thế co dãn tự do trên các giá đỡ hoặc quang treo.
  • Khi tuyến cáp đang chạy theo phương nằm ngang đổi sang phương thẳng đứng hoặc ngược lại, khay cáp hoặc thang cáp lần lượt chuyển qua hai góc uốn 135°.

Phân biệt và kiểm tra

  • Khay hoặc thang cáp trung áp phải có màu sắc tương phản hoặc biển báo để phân biệt.
  • Trước khi lắp đặt, khay hoặc thang cáp và các phụ kiện phải qua kiểm tra để đảm bảo không có khuyết tật về điện, về cơ học:
    • Kiểm tra bằng mắt về sức bền, độ rắn chắc, chất lượng đường hàn và mối nối, lớp sơn phủ, mạ kẽm…
    • Kiểm tra tính liên tục về điện.

Tiêu chuẩn lắp đặt cáp và dây điện trong hộp cáp

Quy định chung

  • Hộp cáp được sử dụng để chứa dây và cáp điện ở những nơi có khối lượng dây và cáp không nhiều và cáp có đường kính nhỏ.
  • Hộp cáp phải được làm bằng kim loại hoặc vật liệu khác có độ bền cơ học cao.
  • Hệ thống hộp cáp phải được lắp đặt hoàn chỉnh trước khi đặt dây hoặc cáp điện vào bên trong.

Yêu cầu về kết cấu và lắp đặt

  • Hộp cáp phải có nắp đậy dọc theo chiều dài của nó. Nắp đậy phải dễ dàng tháo lắp để thuận tiện cho việc lắp đặt, bảo trì và thay thế dây và cáp.
  • Hộp cáp và nắp đậy không được chắp nối ở đoạn đi xuyên qua tường hoặc sàn.
  • Hộp cáp đặt ở những nơi có mưa hắt phải có cấp bảo vệ không thấp hơn IP23 và phải có biện pháp ngăn chặn nước và hơi ẩm lọt vào bên trong hộp cáp qua các mối nối.
  • Hình dạng và bề mặt của các mối nối hoặc chỗ đổi hướng của tuyến hộp cáp phải được xử lý để không làm hỏng cáp và dây đặt bên trong.
  • Hộp cáp phải được lắp đặt sao cho dễ dàng tiếp cận tại bất kỳ vị trí nào dọc theo chiều dài của nó để kiểm tra và sửa chữa cáp bên trong.
  • Không được đặt hộp cáp trong môi trường ẩm thấp hoặc dễ cháy và những nơi dễ bị tác động cơ học nếu không có biện pháp bảo vệ bổ sung.

Quy định về cách bố trí và cố định cáp

  • Dây và cáp điện bên trong hộp cáp phải được sắp xếp theo thứ tự, ngay ngắn để không khí lưu thông và tản nhiệt dễ dàng.
  • Hộp cáp phải được treo hoặc đỡ sau mỗi khoảng cách 1,5 m và phải ở tư thế co giãn tự do trên các giá đỡ hoặc quang treo.
  • Quang treo hoặc giá đỡ phải được cố định vào các kết cấu xây dựng hoặc được hàn vào các mã thép cấy trong kết cấu bê tông của trần.

Quy định về tiếp đất

  • Hộp cáp kim loại phải được tiếp đất và được nối vào dây tiếp đất gần nhất (nhưng không được dùng bản thân hộp cáp kim loại làm dây tiếp đất cho một bộ phận thiết bị khác).

Kết luận

Trên đây là toàn bộ nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật về lắp đặt thang máng cáp. Bao gồm các quy định an toàn và các yêu cầu kỹ thuật chi tiết. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã nắm rõ những tiêu chuẩn cần thiết và quy trình lắp đặt thang máng cáp một cách an toàn, chuyên nghiệp nhất.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên lựa chọn những đơn vị cung cấp thang máng cáp uy tín, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, việc kết hợp với đội ngũ thi công chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tối ưu thời gian, chi phí và đạt được kết quả hoàn hảo nhất.

Nếu cần được tư vấn chuyên sâu hơn, bạn cứ liên hệ đến đội ngũ của Nam Phương Việt để được hỗ trợ nhé!

=> Xem thêm: Các Biện Pháp An Toàn Khi Lắp Đặt Thang Máng Cáp

Đánh giá

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Công Ty Cổ Phần Công Nghệ Nam Phương Việt được thành lập vào năm 2010 và trong suốt chặng đường 14 năm phát triển đã đạt được nhiều thành công trong các dự án. Nam Phương Việt có nguồn lực mạnh mẽ từ đội ngũ công nhân viên giỏi tay nghề, chuẩn chuyên môn trong ngành.